Chương trình ABC Điều trị đột quỵ cơ bản được báo cáo tại Hội nghị nhân ngày Đột quỵ thế giới 29/10/2013

Hội nghị về đột quỵ (tai biến mạch máu não) được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10 là hoạt động hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới.

Hội nghị về đột quỵ (tai biến mạch máu não) được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10 là hoạt động hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới.

​​Tham dự hội nghị có PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế. 

PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của GS.Stephen Davis, Chủ tịch tổ chức Đột quỵ thế giới (World Stroke Organization) và GS.Michael Chopp, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu khoa học thần kinh, Bệnh viện Henry Ford, Detroit, Hoa Kỳ. Hội nghị còn có mặt các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực thần kinh, cấp cứu, tim mạch, lão khoa, tâm thần cùng gần 1000 bác sĩ từ bệnh viện ở Hà Nội và toàn miền Bắc.

Những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực chống đột quỵ đã tới Việt Nam để phát động nâng cao nhận thức về đột quỵ và cách phòng, trị bệnh. Hội nghị sẽ nghe các báo cáo và thảo luận về cách phòng bệnh đột quỵ, điều trị và chăm sóc phục hồi sớm cho bệnh nhân đột quỵ, đồng thời trao đổi các tiến bộ y học trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ não.

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật (xếp hàng thứ 3 về bệnh tật gây tử vong sau ung thư và tim mạch).  Theo GS.Stephen Davis, Chủ tịch tổ chức Đột quỵ thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong.

Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tuy tủy lệ tử vong do đột quỵ có giảm so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng. Mức độ di chứng phụ thuộc rất nhiều và thời điểm và cách thức bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán và điều trị.

GS.TS.Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ thế giới, giám đốc Trung tâm Não và Thần kinh Bệnh viện Hoàng gia Mellbourne, Australia

Ở Việt Nam việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân đột quỵ còn nhiều khó khăn. Kiến thức  về tai biến mạch máu não của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ thường tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Để tránh tử vong, giảm di chứng, bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện điều trị sớm và điều trị chuẩn.

Đại tá, GS.TS.Nguyễn Văn Thông, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: “Chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (tPA) đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về “giờ vàng” (3 đến 4, 5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân bị đột quỵ không phải ai cũng nắm được.

Để phòng, chống, xử lý bệnh nhân đột quỵ sao cho hiệu quả, một điều quan trọng  là nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh đột quỵ và bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên y tế trong chẩn đoán, điều trị.

Từ năm 2008 đến 2011, Bộ Y tế và Tổ chức Đột quỵ thế giới đã tiến hành chương trình  “Điều trị đột quỵ cơ bản”, tổ chức tại 58 tỉnh thành phố, với giảng viên là các giáo sư đầu ngành của Tổ chức Đột quỵ Thế giới  và các giáo sư đầu ngành Việt Nam trong lĩnh vực đột quỵ để bồi dưỡng nghiệp vụ cho 8.596 bác sĩ của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Các bác sĩ tham gia khóa đào tạo đều được cấp giấy chứng nhận của Tổ chức Đột quỵ Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam. Thành công của dự án được Tổ chức Đột quỵ Thế giới đánh giá coi là hình mẫu để áp dụng với các nước trong khu vực.

Theo moh.gov.vn

(Link: https://www.moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/vZJbYmQh1lGZ/content/nhan-ngay-ot-quy-the-gioi-29-10-nang-cao-nhan-thuc-cong-ong-ve-benh-ot-quy-chien-luoc-du-phong-va-ieu-tri?inheritRedirect=false)